Home 100 Năm Tin Lành VN Cố MS Ông Văn Huyên – Người Được Chúa Dùng

Cố MS Ông Văn Huyên – Người Được Chúa Dùng

by Ban Biên Tập
30 đọc

 

Ông Ông Văn Huyên sanh ngày 15 tháng 1 năm 1901 (có tài liệu cho rằng năm 1900) tại Hòa Vang, Quảng Nam, Đà Nẵng. Ông xuất thân từ gia đình tiểu nông theo nề nếp Khổng Giáo. Thuở niên thiếu ông đã theo học Hán văn (chữ Nho), và sau đó là Pháp văn và Việt Ngữ (Theo mẫu tự La tinh). Với bản tính hiếu học và óc cầu tiến, ông Ông Văn Huyên không bỏ lỡ một dịp tiện nào để tầm thầy, kiếm sách thu nhập thêm cho kiến thức của mình ngày càng sâu rộng hơn. Bởi đó ông đã làm quen với ông Trương Đình Loan là một tín hữu Tin lành đến dạy học ở An Hải. Nhiều lần ông Loan đã mời ông Ông Văn Huyên đi dự các buổi thuyết giảng giáo lý Tin lành ở Nhà thờ An Hải. Thế rồi tại đó vào một đêm cuối năm 1920, cụ cố Mục sư Phan Đình Liệu đã cầu nguyện cho 8 linh hồn vừa tìm được Nhà Cha, trong số đó có ông Ông Văn Huyên.

Tin Chúa rồi, ông Ông Văn Huyên được sự thúc giục của Thánh Linh khi chứng kiến bao sinh linh đồng bào ngày càng chìm sâu vào hố hủy diệt, nên ông đã sớm từ bỏ mọi công danh quyền lợi đầy hứa hẹn của đời mà ông đang theo đuổi, để đáp lại tiếng gọi của Đức Chúa Trời khi nghe Lời Ngài. Ông bằng lòng cung hiến trọn vẹn đời sống mình cho Chúa, đi học Lời Ngài cùng chịu sự huấn luyện để chuẩn bị cho chức vụ tương lai vào năm 1922. Vào thời ấy ông Ông Văn Huyên là một trong những học viên sớm nhất trong Trường Thánh Kinh của Giáo hội Tin lành non trẻ vừa được 11 tuổi ở Việt Nam. Trong số các bạn học của ông sau này được nổi danh, cùng góp phần đắc lực trong công việc xây dựng Hội Thánh Chúa có các ông Lê Đình Tươi, Lê Văn Thái, Huỳnh Văn Ngà… tốt nghiệp cùng khóa học tại trường Thánh Kinh với ông năm 1928 ở Tourane (Đà nẵng bây giờ).

Ông Ông Văn Huyên đã từng hầu việc Chúa ở nhiều Hội Thánh và các địa phương như: trước hết là Vĩnh Long, tại đảo Lý sơn (Quảng Ngãi). Tại đây ông cùng đồng bạn mình là ông Đặng Ngọc Cầu đã bị cầm tù hai tháng dưới chính quyền thực dân Pháp. Sau khi ra khỏi tù ông vào Cần thơ. Truyền đạo Ông Văn Huyên được tấn phong thánh chức Mục sư vào lễ Giáng Sinh năm 1928 tại Nhà thờ Vĩnh Long. Tháng 5 năm 1929, Mục sư Ông Văn Huyên được mời về làm Giáo sư Trường Thánh Kinh Đà Nẵng, và đây là một chức vụ mà Đức Chúa Trời đã dùng ông lâu hơn hết suốt thời gian phục vụ Chúa và Giáo hội của đời mình. Tại môi trường kể như khá thích hợp với tài năng và thiên hướng của ông, Mục sư Ông Văn Huyên đã đi từng bước, ban đầu thì vừa dạy vừa học thêm, kế đến là phụ giáo rồi đến làm giáo sư thực thụ. Năm 1942, vì công việc Nhà Chúa đòi hỏi, bởi ông Mục sư Lê Đình Tươi, đương kiêm Hội trưởng, lâm bệnh đột xuất, nên Mục sư Ông Văn Huyên phải đứng ra kiêm nhiệm chức Hội trưởng Tổng Liên Hội với tư cách là Quyền Hội Trưởng. Ông đã đứng ra triệu tập Đại Hội Đồng để cử lại chức vụ này vào tháng 1 năm 1943. Rồi năm 1945, do tình hình Hội Thánh bị xáo trộn vì một tà thuyết tuyên đoán ngày Chúa tái lâm, buộc ông Chủ nhiệm Trung hạt đương thời phải từ chức, thế là Mục sư Ông Văn Huyên một lần nữa phải đứng ra đảm đương chức vụ này lúc lâm thời.

Năm 1946, Trường Thánh Kinh Đà nẵng bị gián đoạn vì chiến tranh Việt-Pháp đến hồi quyết liệt,  Mục sư Ông Văn Huyên được mời quản nhiệm Hội Thánh Đà nẵng cho đến năm 1948. Hòa bình trở lại, ông Ông Văn Huyên được cử làm Đốc học chính thức. Mục sư Ông Văn Huyên là vị Đốc học người Việt Nam đầu tiên của Truờng Thánh Kinh ở Đà nẵng (từ năm 1952 trở về trước, Trường đào tạo này do các vị Giáo sĩ của Hội Phúc Âm Liên Hiệp đảm nhiệm). Tới khi Trường Thánh Kinh này thiên di vào Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, thì Mục sư Ông Văn Huyên đã trở nên vị Viện Trưởng đầu tiên của Trường với tên gọi mới là Thánh Kinh Thần Học Viện.

Tại hai cơ sở huấn luyện nhân sự lãnh đạo Hội Thánh này, Mục sư Ông Văn Huyên đã được phân nhiệm dạy các môn như Bốn sách Tin Lành Tham Khảo. Thánh Kinh Ðịa Lý, Tin Lành Giăng và nhất là môn Tuyên Đạo Pháp, môn này có thể nói là môn sở trường của Mục sư Ông Văn Huyên. Các môn sinh của giáo sư Ông Văn Huyên không sao quên được những giờ học mặc dù căng thẳng nhưng khá thú vị do Giáo sư dìu dắt, từ phần lý thuyết đến thực hành, từ giảng đăng đàn tại chỗ đến các bài tập được viết ra từng lời từng chữ. Sau khi một học viên diễn tập, thì đều được Giáo sư Ông Văn Huyên “đưa lên bàn mỗ” phê bình khá gắt gao, thẳng thắn không kém phần vui tươi, nhộn nhịp với những tràng cười vui vẻ để các bạn cùng thấy cái sai của mình, để học cái hay cái đúng của anh em khác và sửa chữa. Đặc biệt Thầy có một trí nhớ phi thường, từng chữ, từng tiếng, từng từ viết ra của ai đều được Giáo sư Ông Văn Huyên nhớ vanh vách! Chúa ban cho Giáo sư Ông Văn Huyên đặc tài để nhận xét hầu hết các bài thực tập của từng học viên một cách khá chính xác, tinh tường là như thế nào!
ms_huyen2
MS Ông Văn Huyên và Bà

Mục sư Ông Văn Huyên cũng được Giáo hội Tin lành Việt Nam tín nhiệm ở nhiều cương vị khác nhau, nhất là vai trò Tổng Thư Ký của Giáo Hội Tin Lành suốt 30 năm dài (1931-1960). Ông cũng đã dự phần trong công tác xã hội của Hội Thánh như thành lập Chẩn Y viện Tin Lành, Cô Nhi Viện, Viện Dưỡng Lão, Phòng Ghi Âm… Các cơ sở này đều nằm ở Hòn Chồng, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa.

Mục sư Ông Văn Huyên cũng là một trong số thuộc hàng giáo phẩm có công việc soạn thảo Bản Điều Lệ của Giáo Hội năm 1928, sau đó là bản Dự Thảo Hiến Chương năm 1971. Ông cũng nổi bật trên lãnh vực văn chương, thi phú nên đã đặt lời của một số Thánh Ca như TC số 320, 353, 358, 409 và nhất là bài “Ngày Giờ Qua” (Thánh ca Việt nam số 509) mà giáo hữu Tin Lành Việt Nam thường hát vào mỗi độ Xuân về. Ông giữ chức vụ Chủ bút của tờ Nguyệt San Thánh Kinh Báo là Cơ quan truyền thông chính thức của Giáo hội (từ năm 1931-1963). Đây là tiền thân của tờ Thánh Kinh Nguyệt San sau này. Mục sư Ông Văn Huyên cũng đã cộng tác chặt chẽ với vị thầy của mình là Cố Đốc Học J.D.Olsen trong việc biên soạn bộ Sử Ký Hội Thánh, Thần Ðạo Học và các sách giải nghĩa Thánh Kinh rất súc tích.

Có lần Mục sư Ông Văn Huyên đã được mời làm diễn giả cho Hội Ðồng thường niên của Hội Truyền Giáo Liên Hiệp ở Hoa Kỳ, nhưng cụ đã từ chối. Chỉ có một lần xuất ngoại duy nhất là vào năm 1971 cụ đã đi Singapore tham dự Hội nghị của Liên Ðoàn các Thần Học Viện của Đông Nam Á.

Mục sư Ông Văn Huyên đắc cử chức vụ Hội Trưởng trong khi nước Việt nam thống nhất từ năm 1976 và suốt hơn 20 năm cụ vẫn tích cực phục vụ trong vai trò này, mặc dầu tuổi tác khá cao, sức khỏe yếu kém. Cụ bị khiếm thị hoàn toàn từ năm 1986 nhưng vẫn nhờ ơn Chúa tiếp tục lãnh đạo Hội Thánh. Cụ không bao giờ muốn về hưu cho đến khi được Chúa gọi về nhà trên trời (năm 1999). Cụ bà đã về an nghỉ trước trong Nước Chúa năm 1993.

Trong tập sách tiểu sử mỏng nói về cuộc đời Cụ, tựa đề là “Người Ðược Chúa Dùng”, tác giả Mục sư Phạm Xuân Tín, là một trong các học trò xuất sắc của Cụ đã nhận xét thế này: “Giáo sư Ông Văn Huyên đặc biệt được Đức Chúa Trời sử dụng trong chức vụ huấn luyện các cấp lãnh đạo Giáo Hội Tin Lành Việt nam, tánh tình ông cương trực nhưng cũng nhu nhược, vừa nghiêm khắc nhưng cũng nhiều lần mềm dịu, an ủi, nâng đỡ cũng như khuyến khích các học viên khi họ ngã lòng”.

Nếu tính theo thế hệ, thì tôi (Người biên soạn tập Từ điển nhỏ bé này) chỉ thuộc vào hàng cháu nội của Cụ Mục sư Ông Văn Huyên mà thôi; nhưng tôi tìm thấy được đức tính nhu mì và bình dân của Người Đầy Tớ khá kén chọn này của Đức Chúa Trời, thêm vào sự chuyên cần, tận tụy, trung thành hầu việc Chúa, lại nổi bật lên sự ân cần, tiếp đãi các bạn đồng lao và con cái Chúa nói chung. Trong những năm Cụ còn khỏe và minh mẫn, mỗi khi tôi có dịp vào Sài gòn thăm hỏi sức khỏe Cụ, thì Cụ thường ân cần hỏi thăm từng người quen biết ở Nha Trang, làm cho tôi vừa ngạc nhiên vừa cảm phục. Dầu là hạng thấp như chúng tôi Cụ Mục sư Ông Văn Huyên không hề coi thường, vẫn ân cần tiếp chuyện, hậu đãi như một người đồng lao cùng làm việc trong Vườn Nho Chúa.

Nhiệm vụ nào được Chúa tin dùng và Giáo hội giao phó Cụ đều đã hoàn thành rất tốt. Một đời sống phục vụ miệt mài và nhiệt thành vì Nhà Chúa và tiền đồ của Giáo Hội như thế thật là tấm gương rất sáng cho hậu thế bất cứ ở đâu. Cũng theo quyển Tiểu Sử nói trên, trong phần kết thúc, tôi xin được trích ra những dòng tâm sự cuối cùng về “Vị Thầy ưu tú của những vị thầy” này như sau:
“... Mục sư Ông Văn Huyên là sự sáng dẫn đưa của Trường Kinh Thánh và Thánh Kinh Học Viện vì ảnh hưởng vững bền, rộng lớn của cụ suốt năm thập kỷ qua (1921-1971). Chính ông đã liên hệ mật thiết trong sự huấn luyện đối với tất cả mỗi Mục sư Truyền đạo đã phục vụ Chúa trong Hội Thánh Tin lành Việt nam. Mỗi một Mục sư, Truyền Đạo đang phục vụ Chúa trong Giáo Hội Việt Nam đều đã xưng cụ Mục sư Viện Trưởng là “Thầy” của mình. Chẳng có một ai đã đem lại một ảnh hưởng to lớn như thế trên Hội Thánh Tin Lành Việt Nam và đã uốn nắn khuôn khổ hình dáng Hội Thánh cho đến ngày nay như Mục sư Ông Văn Huyên đâu”.

Cụ Mục sư Ông Văn Huyên đã an nghĩ trong nước Chúa sáng ngày 26 tháng 7 năm 1999 tại Sàigòn. Lễ an táng đã được tổ chức cách trọng thể và vinh hiển Danh Chúa tại nhà thờ Tin Lành đường Trần Hưng Ðạo, Sàigòn, do Mục sư Dương Thạnh chủ lễ với sự tham dự của khoảng 3000 người đầy lòng bùi ngùi thương tiếc.

Trích từ Nhu Liêu Thánh Kinh
Bài vở cộng tác góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com
Bình Luận:

You may also like